Đặt vấn đề: Chào Luật sư, Tôi có một vấn đề thắc mắc cần luật sư tư vấn như sau:
Tháng 5/2021, tôi có ký hợp đồng lao động với một công ty. Tuy nhiên, sau khi ký hợp đồng, tôi mới biết là người ký hợp đồng lao động với tôi không phải người đại diện theo pháp luật của công ty và cũng không có văn bản nào thể hiện là người đại diện theo pháp luật của công ty ủy quyền cho người đó để ký hợp đồng lao động. Vậy cho tôi hỏi hợp đồng lao động mà tôi ký với công ty có hiệu lực pháp luật không? Tôi có nghe nói hợp đồng lao động ký không đúng thẩm quyền thì bị vô hiệu đúng không ạ? Và hợp đồng đó được xử lý như thế nào?
Luật sư tư vấn: Theo thông tin bạn cung cấp, do người ký hợp đồng lao động với bạn không phải người đại diện theo pháp luật cũng như không có văn bản ủy quyền nào của người đại diện theo pháp luật của công ty để ký hợp đồng lao động nên trong trường hợp này hợp đồng lao động mà bạn đã ký bị vô hiệu do người ký kết hợp đồng không đúng thẩm quyền. Do đó, trong trường hợp này bạn phải ký lại hợp đồng lao động mới với người đại diện theo pháp luật hoặc người được ủy quyền của người đại diện theo pháp luật của công ty. Để hiểu rõ hơn về quy định của pháp luật về hợp đồng lao động vô hiệu và thẩm quyền tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu bạn có thể tìm hiểu cùng V&HM Law qua bài viết dưới đây:
1. Thế nào là hợp đồng lao động vô hiệu
Hợp đồng lao động vô hiệu là hợp đồng không tuân thủ các điều kiện có hiệu lực do pháp luật quy định nên không có giá trị pháp lý, không làm phát sinh quyền và nghĩa vụ của các bên.
2. Các trường hợp hợp đồng lao động vô hiệu
Theo quy định tại Điều 49 Bộ luật Lao động 2019, hợp đồng lao động có thể vô hiệu toàn bộ hoặc vô hiệu một phần. Cụ thể như sau:
* Hợp đồng vô hiệu toàn bộ khi:
– Toàn bộ nội dung hợp đồng trái pháp luật.
Toàn bộ nội dung hợp đồng lao động trái pháp luật được hiểu là toàn bộ các điều khoản trong hợp đồng lao động đều không đúng với quy định của pháp luật.
Trong thực tế, ít xảy ra trường hợp vô hiệu này. Lý do vì nhiều doanh nghiệp hiện nay đã có ban pháp chế, cán bộ pháp lý để hỗ trợ trong việc soạn thảo, xem xét hợp đồng trước khi tiến hành ký kết.
– Người ký kết hợp đồng không đúng thẩm quyền.
Người giao kết không đúng thẩm quyền là người không có thẩm quyền giao kết hợp đồng lao động nhưng lại tiến hành kí kết các hợp đồng lao động. Ví dụ người không được người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp ủy quyền nhưng lại tiến hành giao kết hợp đồng lao động với người lao động.
Ngoài ra, cũng không phải không có trường hợp hợp đồng được ký với người không phải là đại diện theo pháp luật (cha, mẹ hoặc người giám hộ khác) của lao động dưới 15 tuổi.
Tuy nhiên, trường hợp này có thể dễ dàng khắc phục nếu người có thẩm quyền công nhận kết quả ký kết của người không có thẩm quyền.
– Công việc trong hợp đồng bị pháp luật cấm.
Công việc mà hai bên đã giao kết trong hơp đồng là công việc bị pháp luật cấm được hiểu là những công việc pháp luật cấm thực hiện nhưng các bên vẫn thoả thuận trong hợp đồng đó là công việc mà người lao động phải thực hiện.
– Nội dung hợp đồng hạn chế hoặc ngăn cản quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn của người lao động.
Công đoàn là tổ chức đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.
Khi người sử dụng lao động lợi dụng vị thế của mình để quy định nôi dung hợp đồng ngăn cản, cấm đoán người lao động thực hiện quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn thì hợp đồng sẽ bị vô hiệu.
* Hợp đồng vô hiệu từng phần khi:
Hợp đồng lao động vô hiệu từng phần cũng được hiểu là hợp đồng có một phần nội dung hợp đồng trái quy định của pháp luật nhưng không ảnh hưởng đến các phần còn lại của hợp đồng hoặc một phần nội dung của hợp đồng lao động quy định quyền lợi của người lao động thấp hơn quy định trong pháp luật lao động, nội quy lao động, thoả ước lao động tập thể đang áp dụng hoặc nội dung của hợp đồng lao động hạn chế các quyền khác của người lao động thì phần đó sẽ bị vô hiệu.
3. Xử lý hợp đồng lao động vô hiệu
Hợp đồng lao động vô hiệu chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới quyền lợi của cả người lao động và người sử dụng lao động. Do vậy, để đảm bảo quyền lợi cho các bên, Nghị định 44/2013/NĐ-CP hướng dẫn xử lý hợp đồng vô hiệu như sau:
* Đối với hợp đồng vô hiệu toàn bộ:
– Toàn bộ nội dung hợp đồng trái pháp luật: Hợp đồng bị hủy bỏ.
– Người ký kết hợp đồng không đúng thẩm quyền: Ký lại hợp đồng.
– Công việc trong hợp đồng bị pháp luật cấm: Ký kết hợp đồng mới.
Nếu không ký được hợp đồng mới thì người sử dụng lao động trả cho người lao động một khoản tiền do hai bên thỏa thuận nhưng ít nhất mỗi năm làm việc bằng một tháng lương tối thiểu vùng tại thời điểm hợp đồng bị tuyên bố vô hiệu.
– Nội dung hợp đồng hạn chế hoặc ngăn cản quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn của người lao động: Ký kết hợp đồng mới.
– Nội dung hợp đồng quy định quyền lợi của người lao động thấp hơn quy định của pháp luật, nội quy lao động, thỏa ước lao động tập thể: Ký kết hợp đồng mới.
* Đối với hợp đồng vô hiệu một phần:
Sửa đổi, bổ sung hợp đồng bằng việc ký kết phụ lục hợp đồng hoặc giao kết hợp đồng mới.
Riêng hợp đồng vô hiệu một phần do điều khoản về tiền lương thấp hơn quy định chung thì hai bên thỏa thuận lại và sửa đổi, bổ sung hợp đồng. Đồng thời, người sử dụng lao động phải trả phần chênh lệch giữa tiền lương đã thỏa thuận với tiền lương trong hợp đồng vô hiệu theo thời gian thực tế làm việc của người lao động nhưng không quá 12 tháng.
Ngoài ra, dù hợp đồng vô hiệu theo trường hợp nào thì quyền và lợi ích của người lao động từ khi hợp đồng bị tuyên bố vô hiệu đến khi ký kết hợp đồng mới sẽ được giải quyết theo nội quy lao động, thỏa ước lao động tập thể (nếu có) và quy định của pháp luật.
4. Thẩm quyền tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu
Toà án nhân dân là cơ quan có thẩm quyền tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu.
Người lao động, người sử dụng lao động, tổ chức đại diện tập thể lao động, cơ quan nhà nước có quyền yêu cầu toà án có thẩm quyền tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu khi có căn cứ theo quy định của pháp luật lao động.
Sau khi thụ lí đơn yêu cầu tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu, toà án có trách nhiệm gửi thông báo thụ lí cho người có đơn yêu cầu, người sử dụng lao động, tổ chức đại diện tập thể lao động và viện kiểm sát cùng cấp.
Thời hạn chuẩn bị xét xử tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu là 10 ngày kể từ ngày toà án thụ lí đơn yêu cầu. Trong thời hạn này, nếu người yêu cầu rút đơn yêu cầu thì toà án ra quyết định đình chỉ việc xét đơn, văn bản yêu cầu.
Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định mở phiên họp, toà án phải mở phiên họp để xét yêu cầu tuyên bố họp đồng lao động vô hiệu. Trường hợp chấp nhận yêu cầu thì thẩm phán ra quyết định tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu. Trong quyết định này, toà án phải giải quyết hậu quả pháp lí của việc tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu.
Trên đây là nội dung bài viết quy định pháp luật về hợp đồng lao động vô hiệu, V&HM Law gửi đến bạn đọc, nếu có gì thắc mắc xin vui lòng liên hệ V&HM Law để được giải đáp.