Chủ Nhật, 26/03/2023 2:27 sáng

QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT VỀ TỘI LẠM DỤNG CHỨC VỤ, QUYỀN HẠN CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN

07/03/2023, Dịch vụ luật sư, Hình sự, 20 Lượt xem

Căn cứ Điều 355 Bộ luật Hình sự 2015 có quy định về Tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản như sau:

1. Người nào lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 06 năm:

a) Đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm;

b) Đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục 1 Chương này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 06 năm đến 13 năm:

a) Có tổ chức;

b) Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm;

c) Phạm tội 02 lần trở lên;

d) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

đ) Gây thiệt hại về tài sản từ 1.000.000.000 đồng359 đến dưới 3.000.000.000 đồng;

e) Chiếm đoạt tiền, tài sản dùng vào mục đích xóa đói, giảm nghèo; tiền, phụ cấp, trợ cấp, ưu đãi đối với người có công với cách mạng; các loại quỹ dự phòng hoặc các loại tiền, tài sản trợ cấp, quyên góp cho những vùng bị thiên tai, dịch bệnh hoặc các vùng kinh tế đặc biệt khó khăn.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 13 năm đến 20 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;

b) Gây thiệt hại về tài sản từ 3.000.000.000 đồng đến dưới 5.000.000.000 đồng;

c) Dẫn đến doanh nghiệp hoặc tổ chức khác bị phá sản hoặc ngừng hoạt động;

d) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm hoặc tù chung thân:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên;

b) Gây thiệt hại về tài sản 5.000.000.000 đồng trở lên.

5. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.”

Căn cứ vào quy định trên, có thể hiểu lạm dụng chức vụ, quyền hạn là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã vượt ra ngoài phạm vi quyền hạn của mình chiếm đoạt tài sản của người khác.

Bên cạnh đó, tại khoản 5 Điều 3 Nghị quyết 03/2020/NQ-HĐTP cũng có hướng dẫn về dấu hiệu định tội của tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” như sau:

“5. “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn” quy định tại khoản 1 Điều 355 của Bộ luật Hình sự là sử dụng vượt quá quyền hạn, chức trách, nhiệm vụ được giao hoặc tuy không được giao, không được phân công nhiệm vụ, quyền hạn trong lĩnh vực đó nhưng vẫn thực hiện.

Ví dụ: Nguyễn Văn A là Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh. A chỉ được phân công phụ trách lĩnh vực văn hóa – xã hội, không được phân công phụ trách lĩnh vực quản lý đất đai nhưng A vẫn ra quyết định thu hồi đất của Công ty X để giao cho Công ty Y (là Công ty của gia đình A). Trường hợp này hành vi của A đã vượt quá chức trách, nhiệm vụ được giao.”

Theo đó, dấu hiệu định tội của tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” phải thuộc một trong hai trường hợp sau:

+ Một là, sử dụng vượt quá quyền hạn, chức trách, nhiệm vụ được giao

+ Hai là, mặc dù không được giao, phân công nhiệm vụ, quyền hạn trong lĩnh vực đó nhưng vẫn thực hiện.

Từ những quy định pháp luật nêu trên, tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” có cấu thành tội phạm như sau:

– Về chủ thể của tội phạm

Chủ thể của tội này là chủ thể đặc biệt, là người có chức vụ, quyền hạn. Người không có chức vụ, quyền hạn thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản không được coi là chủ thể của tội này.

– Về khách thể của tội phạm

Tội phạm này đã xâm hại đến tính đúng đắn và trật tự của hoạt động thực hiện công việc, nhiệm vụ và quan hệ sở hữu tài sản của người khác.

– Về mặt khách quan

Hành vi khách quan của tội này là hành vi chiếm đoạt tài sản của người khác bằng cách lạm dụng chức vụ, quyền hạn và được thể hiện dưới những hình thức khác nhau, cụ thể:

+ Lạm dụng chức vụ, quyền hạn uy hiếp tinh thần người khác để chiếm đoạt tài sản

+ Lạm dụng chức vụ, quyền hạn lừa dối người khác chiếm đoạt tài sản

+ Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của người khác được giao cho người phạm tội trên cơ sở tín nhiệm.

– Về mặt chủ quan

+ Lỗi của người phạm tội là lỗi cố ý trực tiếp: Người phạm tội nhận thức rõ được hành vi của mình có tính chất nguy hiểm và gây hậu quả nghiêm trọng cho xã hội mà vẫn thực hiện.

+ Động cơ phạm tội là vụ lợi: Người phạm tội thực hiện hành vi phạm tội bởi vì lòng tham, muốn biến tài sản của người khác thành tài sản của mình.

Trên đây là quy định pháp luật về tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản. Nếu có gì thắc mắc vui lòng liên hệ V&HM Law firm để được tư vấn.

V&HM tổng hợp

Website: https://vanhoangminhlaw.vn

Email: vanhoangminhlaw@gmail.com

Hotline: 0985 158 595 hoặc 0984 499 996

Địa chỉ: 422 (tầng 3) Võ Văn Kiệt, Phường Cô Giang, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh